Chuyện ở vùng bưởi tiến vua
Thái Sinh -Thứ Sáu, 31/01/2014,
6:40 (GMT+7)
Khả Lĩnh là một ngôi làng nhỏ nằm ven bờ sông Chảy, nơi đây nổi tiếng với
giống bưởi tiến vua. Nhưng mấy người biết trên mảnh đất này còn lưu giữ nhiều
chuyện kỳ lạ...
Khả Lĩnh với tên gọi xưa là Trang Kha Lệnh thuộc xã Đại Minh, thời nhà
Nguyễn nằm trong phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang, kháng chiến chống Pháp Đại
Minh được nhập vào huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, năm 1967 khi xây dựng nhà máy
thuỷ điện Thác Bà xã Đại Minh tách ra khỏi huyện Đoan Hùng nhập vào huyện Yên
Bình, tỉnh Yên Bái ngày nay.
Nằm ở nơi giáp ranh ba tỉnh nên một tiếng gà gáy của làng Khả Lĩnh ba tỉnh
Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái đều nghe thấy. Chuyện xưa kể rằng: Ông tổ họ
Nguyễn ở làng Khả Lĩnh ngày nay là quan đại thần họ Ngô, tên là Ngô Vi Lã. Do
bất mãn với triều đình nhân một lần được sai đi thu lương thảo khu vực phía Bắc
sông Hồng, Ngô Vi Lã mang theo cả gia đình, vợ con và những người thân tín trên
mấy chiếc thuyền ngược sông Hồng, sông Lô với ý định theo chúa Bầu đang trấn
trị ở Tuyên Quang chống lại triều đình.
Trên đường đi gần tới nơi thì nghe tin Đô đốc thiêm sự Khoan Quận Công Vũ
Công Tuấn - cháu đời thứ 7 của Khánh Bá Hầu Gia Quốc Công Vũ Văn Uyên bị giết,
nên vội rẽ vào sông Chảy ngược lên, tới Khả Lĩnh thì dừng lại lập làng. Nơi đây
xưa vốn là rừng rậm nhưng đất đai ven sông Chảy mầu mỡ và khá bằng phẳng thuận
tiện cho việc khai khẩn làm ruộng nương. Lo sợ bị triều đình đưa quân truy đuổi
giết chết cả gia đình và dòng tộc, Ngô Vi Lã đổi họ và tên thành Nguyễn Viết
Lãng sống ẩn dật nơi rừng hoang sương lạnh nơi này.
Nếu tính từ năm 1699 Đô đốc thiêm sự Khoan Quận Công Vũ Công Tuấn bị triều
đình nhà Lê bắt giết thì làng Khả Lĩnh do Ngô Vi Lã lập đến nay được khoảng 315
năm. Đây là ngôi làng cổ, nhưng dân sống khá thưa thớt dấu vết làng xưa còn lại
là ngôi đình đã bị phá vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nay chỉ còn hậu
cung với bốn chữ đại tự mà tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Văn Quang, nguyên giám đốc
bảo tàng tỉnh Yên Bái dịch là “Long đường cao thông” và ba cây bưởi cổ thụ.
Bưởi Khả Lĩnh quả nhỏ, vỏ mỏng, múi mọng nước, tôm đều không bị khô, ăn có
vị ngọt mát, cất ở nơi râm mát để được đến tháng ba, tháng tư năm sau múi không
bị lên “gạo”.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đang phân loại bưởi giao cho khách hàng
Dân làng Khả Lĩnh dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Viết Lãng đã phá rừng làm
ruộng nương, biến vùng đất heo vắng ven bờ sông Chảy thành làng xóm trù phú,
cuộc sống của người dân trở nên sung túc, giao thương với bên ngoài qua sông
Chảy tấp nập, sau khi xây dựng thuỷ điện Thác Bà người dân chuyển nhà ra gần
đường quốc lộ để thuận tiện việc đi lại, làm ăn và buôn bán.
Khi còn sống cụ Nguyễn Văn Hợi cháu đời thứ chín của Nguyễn Viết Lãng kể
với con cháu rằng: Đình Khả Lĩnh ban đầu xây dựng ở đầu làng, nhưng do xây trên
đất nghịch, nên thanh niên không lo học hành, làm ăn mà chỉ tìm cách đánh nhau,
quậy phá gây ra nhiều chuyện phiền nhiễu khiến cuộc sống của người dân không
mấy khi được yên ổn nên các bô lão họp bàn quyết định dời đình vào quả đồi ở
giữa làng.
Theo thầy địa lý mảnh đất dựng đình làng nom giống như dáng một con chim
ưng đang giang cánh, đầu quay về phía Đông Nam, cũng có người nói mảnh đất dựng
đình như cái ngai, hai bên là hai doi đất là hai tay ngai. Dựng đình trên mảnh
đất đó các cụ mong muốn con cháu sau này phát đạt, muốn thành đạt phải biết
vươn mình ra biển lớn.
Hậu cung đình làng Khả Lĩnh còn lại
Cách đình 200 m có một mạch nước trong mát chảy ra từ dưới chân đồi, dân
làng xây lại gọi là giếng Mỏ Cò. Giếng sâu chưa đến một mét nhưng nước không
bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán nước sông Chảy cạn trơ đáy. Hàng năm vào
ngày hội đình mùng 10 tháng Giêng dân làng múc nước từ giếng Mỏ Cò rước về tế
lễ trong đình. Bên cạnh đình là miếu thờ công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa con vua
Hùng thứ 18, người đã có công dạy cho nhân dân biết cấy cày, trồng dâu nuôi tằm
dệt vải...
Trước đây miếu dựng bằng gỗ, qua nhiều năm tháng miếu bị sập đổ, người dân
rước tượng vào hậu cung của đình, cách nay vài năm bà Hoàng Thị Vinh là con
cháu bên ngoại dòng họ Nguyễn hiện đang sống tại Hà Nội đã cúng tiến xây dựng
lại miếu, khi đó mới rước hai cô công chúa vào miếu thờ. Theo những người dân ở
đây cho biết: Miếu thờ công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa rất linh thiêng, nếu cặp vợ
chồng nào vô sinh đến cầu tự sau đó đều có con.
Miếu thờ công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa
Công chúa Quỳnh Hoa, Quế Hoa được người dân thờ trong miếu
Theo người dân kể lại, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong làn
sóng phá đình phá chùa, nhân khi đình Khả Lĩnh xuống cấp, ông Bùi Văn Hào khi
đó là chủ nhiệm HTX đã bán đi, số tiền bán đình đủ mua được một chiếc đài do
Nga sản xuất chạy bằng pin nhiệt, khi thắp đèn dầu lên nhiệt độ chênh lệch đài
mới chạy. Ông Hào đã mất, nhưng con cái của ông ít người thành đạt. Ngày
20/2/2006, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên Yên Bái làm việc, ông đã tới thăm
đình Khả Lĩnh và trồng lưu niệm một cây hải đường.
Người dân làng Khả Lĩnh còn truyền miệng nhiều câu chuyện kể, như chuyện hổ
trả ơn người, chuyện rằng: Đất Khả Lĩnh xưa là vùng rừng rậm có nhiều hổ, một
cụ già đang đêm trên đường trở về nhà bỗng nghe tiếng hổ gầm rú trong nỗi đớn
đau tuyệt vọng nghe như lời cầu cứu. Mới đầu bà sợ hãi toan chạy đi, nhưng
tiếng hổ càng kêu càng yếu, bà nghĩ: Mình già rồi sống chẳng còn được bao lâu
nữa, nếu bị hổ ăn thịt cũng chẳng sao...
Nghĩ vậy bà vạch cây soi đuốc đi về phía tiếng hổ đang gầm rú, hoá ra con
hổ đang trở dạ đẻ, nó đẻ ngược, hai chân hổ con bị mắc nên không ra được. Bà cụ
cắm ngọn đuốc xuống đất xắn tay lôi con hổ con đẻ ngược ra, lần lượt 4 con hổ
con tiếp theo chui ra khỏi bụng mẹ. Xong việc bà trở về nhà, ít ngày sau vào
một đêm nọ bà nghe thấy có tiếng động phía đầu hồi, như có ai vừa vứt một vật
nặng xuống.
Bà cầm đèn ra soi, thì thấy con lợn rừng chừng nửa tạ được ai vứt lại đó,
soi đèn quanh nhà chỉ thấy các vết chân hổ. Người dân bảo do bà cụ đã cứu mạng
mẹ con hổ, nên được nó trả ơn...
Một chuyện khác: Làng Khả Lĩnh có một người thợ rừng rất nghèo, hàng ngày
phải vào rừng khai thác gỗ và đốn củi bán lấy tiền. Một hôm anh đốn được một
cây gỗ to, chưa biết làm cách nào mang về được, thì chợt thấy một người lạ mặt
dáng cao lớn lông lá đầy người từ trong rừng đi ra. Người thợ rừng sợ hãi toan
chạy thì người lạ vẫy tay ngỏ ý muốn giúp anh mang cây gỗ về nhà, với điều kiện
được ăn no, người thợ rừng đồng ý.
Người lạ mặt cúi xuống vác cây gỗ đi băng băng về nhà. Thức ăn của người lạ
mặt không phải cơm gạo mà là gừng. Gia đình người thợ rừng thấy lạ quá nên mời
người lạ ở lại nhà mình. Nhờ người lạ giúp sức vận chuyển gỗ từ rừng ra, nên
gia đình người thợ rừng sau mấy năm trở nên giàu có. Trong làng có người báo
lên quan, người lạ kia bị bắt nhốt vào cũi giải lên huyện. Quan huyện cho là
yêu ma nên ra lệnh chém đầu. Nhưng cứ chém đầu đứt ra rồi lại liền ngay.
Thấy thế, quan triệu người thợ rừng lên tra khảo, người thợ rừng bày cách
đem tro rơm nếp trộn với phân gà rồi bôi vào lưỡi kiếm, khi chém thì đầu
người lạ không liền lại được. Người lạ biết mẹo kia do người thợ rừng bày cho
quan huyện, trước khi đầu rơi xuống đất đã nguyền rằng vợ chồng thợ rừng sẽ
tuyệt tự. Quả như vậy, sau đó gia đình người thợ rừng sa sút, hai người con
trai của họ phải bỏ làng tha phương cầu thực đều chết đường chết chợ, khi chết
cả hai đều chưa có vợ con.
Bưởi làng Khả Lĩnh ngon nổi tiếng, những cháu con của Ngô Vi Lã về mùa thu
hái bưởi đã thả những bè bưởi xuống dòng sông Chảy như muốn gửi thông điệp cho
những người ở cuối dòng sông về một vùng quả ngọt nơi này. Lần theo dấu vết
những bè bưởi đó người ta biết tới Khả Lĩnh một vùng bưởi ngon ngọt. Quan lại
địa phương hàng năm đều chọn những trái bưởi thơm ngon nhất làng Khả Lĩnh mang
về tiến vua. Giống bưởi Khả Lĩnh được nhân rộng khắp nơi.
Từ lâu, bưởi Đoan Hùng nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng ngon nhất
vẫn là bưởi Khả Lĩnh, nơi đây có những cây bưởi cổ tuổi đời hơn trăm tuổi, như
chứng thực mảnh đất tổ tiên của giống bưởi quý này.
Ông Hoàng Minh Hiến năm nay đã bảy mươi tuổi người làng Khả Lĩnh dẫn tôi đi
xem ba cây bưởi cổ thụ. Cây thứ nhất của gia đình bà Bùi Thị Sơn ở ngay trước
cổng nhà ông. Cây có đường kính gốc chừng 60 - 65cm, ông Hiến cho hay khi ông
còn nhỏ thì đã thấy cây bưởi đã to bằng chừng ấy rồi, mấy chục năm qua ông vẫn
thấy cây bưởi như thế, khoảng hơn trăm tuổi gì đó, cây đã già lụ khụ, rêu phong
cổ kính một phần vỏ sát gốc đã bong tróc, cành bị sâu đục thân đang chảy nhựa
sền sệt, chắc không còn sống được bao lâu nữa.
Hai cây bưởi của gia đình ông Trần Quang Khải, năm 2004 nhân hội đình làng
Khả Lĩnh hai cây bưởi này đã được gắn biển cây bưởi cổ. Theo những người già
trong làng thì hai cây bưởi nhà ông Khải có tuổi đời khoảng 120-130 năm. Khi
chúng tôi đến, ông Khải đi vắng chỉ có vợ ông ở nhà, bà cho hay nhà có hơn bảy
chục cây bưởi, vườn bưởi trước nhà có 42 cây, năm nay bán được 80 triệu đồng,
còn vườn bưởi sau nhà gồm giống bưởi chua và bưởi ngọt, vợ chồng ông không bán
chỉ để làm quà.
Cây bưởi cổ thụ trong vườn gia đình ông Trần Quang Khải
Bà cười bảo tôi: Năm nay mới được thu chừng ấy thôi, mọi năm hoa bưởi ra
trắng vườn nhưng quả không đậu, thu chẳng đáng là bao đâu bác ạ...
Tìm hiểu ra mới hay, nhiều năm trước đây người dân muốn dành đất trồng bưởi
ngọt nên đã chặt gần hết những cây bưởi chua. Từ đó năng suất giảm dần, nhiều
cây chỉ ra vài chục quả, họ chẳng hiểu vì sao lại như vậy. Có người nói do
giống bưởi thoái hoá, người lại bảo do đất cằn cỗi...nên bưởi không đậu quả.
Nhiều hộ trồng bưởi thu nhập thấp nên chặt bưởi thay thế loại cây trồng khác.
Vùng bưởi tiến vua có nguy cơ xóa sổ.
Vườn bưởi nhà ông Trần Quang Khải
Năm 2007 Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn
cho 7 hộ ở các thôn: Khả Lĩnh, Cầu 17, Quyết Tiến "Qui trình kỹ thuật
trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", bón tổng hợp cân đối các loại phân, thụ
phấn nhân tạo bổ sung…Trong đó đáng chú ý nhất là việc dùng hoa bưởi chua thụ
phấn cho cây bưởi ngọt. Đây là biện pháp kỹ thuật thụ phấn chéo, những hộ tham
gia tập huấn năm 2010 được mùa bưởi to. Số tiền mà người dân trồng bưởi năm đó
thu được khoảng 2,7 tỷ đồng, có hộ thu trên 140 triệu tiền bán bưởi.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, thôn Cầu 17 dẫn tôi thăm vườn bưởi cho biết: Gia đình
tôi trước đây có trên 50 gốc bưởi ngọt, sau nhiều năm mất mùa đã chặt quá nửa vườn
bưởi, giờ chỉ còn khoảng 16 gốc. Sau khi tham gia tập huấn kỹ thuật, áp dụng
các biện pháp kỹ thuật kết hợp thụ phấn nhân tạo, năm nay ước thu 50 triệu
đồng. Theo ông Dũng, những hộ thu nhập cao từ cây bưởi như gia đình các ông:
Nguyễn Văn Định, thôn Minh Thân thu khoảng 190 triệu, ông Nguyễn Văn Đông, Tạ
Minh Tân, thôn Quyết Tiến thu chừng 140- 250 triệu...Dự kiến năm 2013 những
người trồng bưởi xã Đại Minh thu khoảng 13 tỷ đồng.
Do bưởi Đại Minh ngon, nhất là bưởi thôn Khả Lĩnh, nên khi quả bưởi to bằng
nắm tay các thương lái từ khắp nơi tới từng nhà đặt tiền mua bưởi. Ông Dũng cho
biết: Bưởi bán dọc đường không phải là bưởi Đại Minh, nhất là không có bưởi Khả
Lĩnh. Bưởi Khả Lĩnh làm sao phải chường mặt ra đường như thế, thương lái vào
tận gốc mua hết từ lâu rồi...
Gia đình ông Dũng năm nay thu gần 3.000 trái bưởi, với giá bán tại nhà từ
20.000- 22.000đ/quả, hiện ông đã hái quây vào trong các cót. Ông chưa bán vội
chờ gần Tết được giá mới bán. Còn hiện nay con gái ông là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh,
sau khi tốt nghiệp Đại học Quản trị kinh doanh trong khi chờ việc ở nhà giúp vợ
chồng ông phân từng loại bưởi đóng thành bao gửi xuống Hà Nội bán. Hạnh cho
biết: Mỗi tuần cháu gửi xe ca vài trăm quả bán cho những nhà hàng và những gia
đình quen biết ở Hà Nội. Ngày nào cũng có người gọi điện hỏi mua, từ nay đến
Tết còn hai tháng nữa chưa vội bán đâu bác ạ...
Nguồn: