Nhà báo đối mặt quyền lực
20/06/2014, 08:16 (GMT+7)
Trong những năm qua, nhiều nhà báo
bị trả thù một cách hèn hạ, không phải vì viết sai, mà họ phản ánh đúng về cơ
quan hay một nhân vật quyền lực nào đó. Bản thân tôi đã từng bị trả thù như
vậy, đó là khi nhà báo đối diện với quyền lực
Nhà báo Thái Sinh trước hang vàng thổ phỉ Văn Bàn
20 ngày làm... bảo vệ
Năm 1993, tôi đang làm phóng viên kiêm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Yên
Bái, trước tình trạng mua bán giấy phép khai thác pơ mu đã khiến các vụ khai
thác, vận chuyển, buôn bán pơ mu ngày càng tăng, nhiều cánh rừng pơ mu trên các
đỉnh núi mất dần.
Đau xót trước nỗi đau của rừng và bất bình trước sự giàu có nhanh chóng của
nhiều quan chức tôi đã tiến hành thu thập tài liệu viết bài “Yên Bái bao giờ
phá xong rừng pơ mu?” gửi Báo NNVN. Bài viết đề cập tới một số nhân vật sử dụng
giấy phép như lá bùa trong việc mua bán, vận chuyển pơ mu.
Trước lúc gửi bài viết đi, tôi đã cho một người cùng cơ quan Hội Văn nghệ
Yên Bái xem. Điều tôi không thể ngờ, sáng gửi bài thì buổi chiều lãnh đạo Phòng
Bảo vệ Văn hoá Công an tỉnh Yên Bái tới làm việc với lãnh đạo cơ quan.
Nhà thơ Ngọc Bái, Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái, ngay lập tức họp ban lãnh
đạo hội sau đó bảo tôi: "Thái Sinh viết bài về khai thác pơ mu à? Tình
hình căng lắm đấy ông HCD chỉ thị cho công an điều tra người viết bài này. Họ
sẽ gây khó dễ cho hội mình đây...".
Hôm sau Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) mời lãnh đạo Hội lên làm
việc. Ông D là người giữ trọng trách lớn của tỉnh Yên Bái, người đã ký nhiều
giấy cho phép khai thác, vận chuyển pơ mu đã chỉ thị cho Ban Tổ chức chính
quyền xử lý tôi bằng cách giảm biên chế, tức là đuổi tôi ra khỏi cơ quan Hội
Văn nghệ.
Nhà thơ Ngọc Bái buồn bã bảo tôi: "Thân phận chúng ta chỉ như con sâu
cái kiến, họ có thể di chết lúc nào cũng được...".
HCD khi đó đang là ngôi sao sáng của tỉnh Yên Bái, quyền hành ngang ngửa
lấn lướt nhiều người khác. Khi đó tôi chỉ là anh văn nghệ sĩ quèn làm sao đối
đầu được? Tôi phải gọi điện cho anh Trịnh Bá Ninh khi đó đang là Trưởng
Ban Biên tập - Thư ký toà soạn (nay là Phó Tổng biên tập) hiểu cho hoàn cảnh
của tôi nên dừng đăng bài viết.
Chính vì thế tôi có lý khi cãi với Hội Văn nghệ Yên Bái là bài viết còn ở
dạng bản thảo, chưa phải là bài báo thì cớ gì xử lý tôi?
Tôi không bị kiểm điểm nhưng đã buộc tôi xuống làm bảo vệ, để chứng minh
với ông HCD rằng Hội đã xử lý tôi. Chiều nào cũng vậy cứ 17 giờ khi mọi người
trong cơ quan về hết tôi tới đóng cửa, bật các bóng đèn bảo vệ, dọn dẹp bàn
ghế, rửa ấm chén... rồi ngủ đêm để trông cơ quan.
Hội Văn nghệ nằm ở tầng một khu vực phía sau liên cơ quan, nay là Khách sạn
Hào Gia, do ẩm thấp nên muỗi nhiều như ong.
Đúng 20 ngày làm bảo vệ thì tôi xin chuyển lên Báo Lào Cai, tháng 9/1996
tôi được cử tham gia khoá học “Thông tin và phòng chống trong lĩnh vực y tế” do
Hội Nhà báo và Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tổ chức tại Hà Nội, tôi gặp Tổng Biên
tập Lê Nam Sơn (nay đã nghỉ hưu) xin về Báo NNVN. Tổng
Biên tập Lê Nam Sơn tham vấn ý kiến anh Trịnh Bá Ninh đã quyết định nhận
tôi.
Sau khi về Báo NNVN tôi mới tìm lại hồ sơ về những việc buôn bán pơ mu của
Cty XNK Yên Bái, do ông Nguyễn Văn Soàng làm giám đốc. Sau một loạt bài viết
của tôi trên Báo NNVN và một số báo khác, vụ án Nguyễn Văn Soàng được các cơ
quan tố tụng của Yên Bái thụ lý.
Thật bất ngờ trong danh sách 104 vị được Nguyễn Văn Soàng biếu tiền và đô
la với số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng, ông HCD được biếu hơn 640 triệu đồng.
Cách nay 21 năm số tiền đó quả là rất lớn.
Sự đối mặt của nhà báo đối với quyền lực, nhất là quyền lực liên quan tới
tiền bạc thì nhà báo bị trả thù là điều dễ hiểu. Từ một phóng viên kiêm biên
tập viên tôi buộc phải đi làm bảo vệ là sự trả thù chứ còn gì.
Tuy nhiên tôi phải cảm ơn ông HCD, do ông trả thù nên tôi mới sang ngang
làm nghề báo cho đến tận bây giờ, nếu không thì cũng chỉ là anh văn nghệ sĩ
quèn hâm hấp.
Tìm cách loại khỏi lớp báo chí
Con đường làm báo của một con người trung thực luôn vấp phải sự trả thù từ
nhiều phía của quyền lực. Năm 1995 khi đó tôi đang làm Báo Lào Cai thì xin đi
học lớp học đại học tại chức báo chí mở tại Trường Chính trị tỉnh Lào Cai.
Việc tham gia lớp học này chỉ để “tiêu chuẩn hoá cán bộ” chứ thực ra tôi
cũng chả học được gì nhiều lắm. Nghề báo là quá trình học suốt đời từ chính
những đồng nghiệp của mình.
Năm 2000, tôi có loạt bài đăng trên Báo NNVN và Báo Lao động, phơi bày
những việc làm của những nhà thầu xây dựng công trình thuỷ lợi ở Bắc Hà, họ đã
dùng xi măng trộn đất để đổ bê tông và xây mương máng, xây trường học thì bị
bớt xén...
Bài viết tạo ra hiệu ứng xã hội rất mạnh, tỉnh Lào Cai tổ chức đối thoại
với TBT Báo NNVN nhằm đánh gục tôi. Nhà báo Đỗ Bảo Châu được Tổng Biên
tập Lê Nam Sơn cử lên Lào Cai đối thoại với lãnh đạo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Nghĩa Vụ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, là người có cảm tình và rất “mê”
những bài viết đầy chất văn chương và trí tuệ của tôi kể từ hồi tôi còn làm ở
Báo Lào Cai được cử ra đối thoại. Đây là việc chẳng đừng mà sau này ông mới nói
với tôi.
Sau khi mời Đỗ Bảo Châu lên xem một vài công trình xây dựng mà tôi đã nêu
trong bài viết, Đỗ Bảo Châu là người rắn mặt trước khi về TX. Lào Cai họp, buổi
trưa hôm đó tại Bắc Hà, Đỗ Bảo Châu đã bị “chúc” mấy chục chén rượu Bắc Hà cháy
họng.
Chiếc máy ghi âm tôi trao cho Đỗ Bảo Châu ghi toàn bộ cuộc đối thoại hôm
đó, anh nói rất ít, nhưng với những gì mà anh đã nhìn thấy khi đi thăm hiện
trường anh đã vặn ngược lại các đại biểu, cuộc đối thoại trở thành cuộc chất
vấn của nhà báo Đỗ Bảo Châu về các công trình xây dựng đó. Kết thúc buổi đối
thoại khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi lên xe về Yên Bái. Khi đó Đỗ Bảo Châu mới
say lử lả không ăn nổi cơm.
Điều tôi muốn nói ở đây, sau buổi đối thoại giữa tỉnh Lào Cai với Báo NNVN
chẳng đi tới đâu, Tổng Biên tập Lê Nam Sơn không kỷ luật tôi mà còn động
viên tôi viết mạnh hơn nữa. Anh bảo: Cần phải giữ cho tờ báo luôn luôn nóng
trước sự mong đợi của độc giả...
Sau buổi đối thoại tôi được ông Nguyễn Văn Vãn, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ,
được một vị thuộc hàng “nhị phẩm” của tỉnh Lào Cai tham vấn về việc loại tôi ra
khỏi lớp đại học báo chí bằng cách nào.
Hoá ra trước khi tham vấn ý kiến ông Vãn, họ đã làm việc với ban lãnh đạo
Trường Chính trị Lào Cai tìm lý do loại tôi khỏi lớp học khi chỉ còn mấy tháng
nữa là thi tốt nghiệp. Không có lý do gì để loại tôi, vì tôi không chỉ làm lớp
phó phụ trách học tập mà luôn gương mẫu chấp hành tốt quy chế của trường, điểm
các môn thi đều cao nhất lớp. Cuối cùng họ phải để yên cho tôi học.
Sau này tôi mới tìm hiểu ra, những bài viết của tôi đã làm ảnh hưởng tới sự
đầu tư cho các chương trình, dự án của Lào Cai. Họ muốn giữ hình ảnh đẹp trong
con mắt Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương. Điều họ không thể ngờ rằng những
công trình làm ẩu đó đã đánh mất niềm tin của nhân dân mới là điều đáng sợ
nhất.
Phó Chủ tịch phải ngồi tù
Vụ án nhập lậu lá thuốc lá của Cty Thiên Lợi Hoà do Nguyễn Thị Ngọc Liên
cầm đầu buôn lậu 11.157 tấn lá thuốc lá với tổng giá trị hơn 223 tỉ đồng. Vụ
việc rất dài tôi không thể nói hết trong bài viết ngắn này.
Báo NNVN là một trong hai báo khởi đầu đăng vụ buôn bán đó. Loạt bài viết
của tôi có tựa đề: "Lào Cai “xé rào”, nguyên liệu thuốc lá nhập lậu tràn
lan", đã phanh phui việc nhập lậu lá thuốc lá qua các lối mở ở Lào Cai.
Loạt bài đó có các tựa đề: "Sự thật được biết từ bên kia biên giới";
"Ai đã ký vào những văn bản đóng dấu Mật"?; "Sự thật nằm sau các
văn bản"; "Một đường dây chạy án bất thành".
Sau khi Báo NNVN đăng bài thứ hai, tôi nhận được điện thoại của một cán bộ
cấp cao của tỉnh Lào Cai, anh vừa là người anh nhưng cũng là ân nhân của tôi.
Anh bảo tôi đại ý thế này: "Thái Sinh dừng bài viết ở đây nhá, mày phải
thương anh chứ..."
Bây giờ thì anh đã giữ trọng trách ở một Bộ lớn của quốc gia.
Tôi bảo vâng, nhưng bài ba thì đã lên trang rồi không thể bỏ được. Tới bài
thứ tư, chỉ sau đó ít ngày thì ông Nguyễn Ngọc Kim, Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh Lào Cai, bị bắt tại phòng làm việc.
Vụ án lớn nhất tỉnh Lào Cai từ trước tới nay, với 16 cán bộ Hải quan, 4
giám đốc Cty, 2 cán bộ C15 Bộ Công an và vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai bị
truy tố và bị kết án. Anh NQT, hiện đang là giám đốc một sở của tỉnh Lào Cai
sau khi ông Nguyễn Ngọc Kim bị bắt đã nói với tôi: Ông ấy bị bắt vì áp lực báo
chí quá mạnh, nhất là những bài viết của anh...
Chuyện nhà báo đối mặt với quyền lực đối với tôi thì còn rất nhiều không
thể kể ra đây hết được, có lẽ phải viết một cuốn sách mới hết. Điều tôi nhận
thấy là đừng bao giờ run sợ trước quyền lực, nhất là không bị cám dỗ trước
những cạm bẫy mà đối tượng giăng ra.
Trung thực trước trang giấy là chỗ dựa vững chắc của nhà báo, giúp họ vượt
qua tai ương và sự trả thù của quyền lực.
Thái Sinh
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét